THAM GIA GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP THƯƠNG MẠI

Cùng với sự phát triển của kinh tế, tính đa dạng và phức tạp trong quan hệ thương mại làm cho tranh chấp thương mại cũng trở lên phức tạp về nội dung, gay gắt về mức độ và phong phú hơn về chủng loại; xuất phát từ lợi nhuận của các bên và sự hấp dẫn của nền kinh tế, việc giải quyết tranh chấp thương mại là hết sức quan trọng và cần thiết.

1/ Ý nghĩa của việc giải quyết tranh chấp kịp thời và hiệu quả:

Khi bắt đầu một thương vụ, các chủ thể không bao giờ muốn tranh chấp xảy ra bởi tranh chấp đồng nghĩa với sự ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của họ, làm gián đoạn quá trình kinh doanh, tốn thời gian chi phí và công sức để giải quyết tranh chấp. Không những thế còn liên quan đến chủ thể khác có quan hệ với các bên tranh chấp, uy tín của chủ thể trên thương trường có thể bị ảnh hưởng, cũng như các yếu tố khác thuộc về bí mật kinh doanh có thể bị tiết lộ hoặc bị lợi dụng.

Giải quyết kịp thời và hiệu quả các tranh chấp cho phép hạn chế đến mức tối thiểu sự gián đoạn của sản xuất kinh doanh cũng như đặt ở mức chi phí thấp nhất. Song song đó, là phải bảo vệ một cách có hiệu quả lợi ích hợp pháp và chính đáng của các bên khi tham gia vào kinh tế thương mại.

Giải quyết tốt tranh chấp thương mại là động lực thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế. Muốn có một nền kinh tế phát triển thì các quan hệ xã hội nói chung và quan hệ kinh tế thương mại nói riêng phải được điều chỉnh bằng pháp luật, phải đảm bảo bằng pháp luật. Việc đầu tiên là hạn chế các tranh chấp có thể xảy ra bằng cách đặt ra các chế định và chế tài tạo thành một "sân chơi" lành mạnh và công bằng. Khi tranh chấp xảy ra phải có các thủ tục, biện pháp để giải quyết, nếu không giải quyết kịp thời thì hậu quả sẽ kéo dài và gây thiệt hại rất lớn cho các bên. Điều đó không những làm thiệt hại, kìm hãm phát triển nền kinh tế mà còn gây nên một khuyết điểm lớn của môi trường kinh doanh, các chủ thể sau tranh chấp có thể "quay lưng" lại với nhau đố kỵ và không tin tưởng lẫn nhau. Một tâm lý yên tâm làm ăn kinh tế, mạnh dạn đầu tư sẽ góp phần cải thiện nền kinh tế.

Giải quyết kịp thời hậu quả các tranh chấp thương mại còn có ý nghĩa cực kỳ quan trong việc quản lý xã hội bằng pháp luật, vừa tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, vừa góp phần xây dựng môi trường pháp lý có kỷ cương. Trong sản xuất kinh doanh tạo niềm tin, thực hiện công bằng và bình đẳng cho các doanh nghiệp trong nước và ngoài nước. Thực hiện sản xuất kinh doanh có hiệu quả.

Tính hiệu quả được xét ở hai góc độ là hiệu quả chuyên môn và hiệu quả kinh tế. Muốn vậy trong khi tiến hành giải quyết tranh chấp thương mại phải tuân thủ nguyên tắc của giải quyết tranh chấp.

2/ Các nguyên tắc giải quyết tranh chấp:

Dựa trên cơ sở tự do và tự chủ trong kinh doanh, bình đẳng trước pháp luật, việc giải quyết tranh chấp thương mại phải đảm bảo các nguyên tắc sau:

- Nguyên tắc tự định đoạt: Theo nguyên tắc này, các bên có quyền thỏa thuận phương thức giải quyết tranh chấp có lợi nhất, có thể là tự thương lượng hoặc thông qua trung gian hòa giải, hoặc thông qua một hình thức tài phán. Sau đó các bên có thể không nhất thiết phải tham gia tố tụng mà ủy quyền cho người khác tham gia tố tụng, có quyền thuê luật sư hoặc người khác bảo vệ quyền và lợi ích của mình. Cuối cùng khi đã đưa tranh chấp ra trọng tài hoặc tòa án, các bên có quyền hòa giải hoặc thay đổi nội dung đơn kiện hoặc rút đơn kiện.

- Nguyên tắc bình đẳng trước pháp luật: Pháp luật bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của các bên tranh chấp không phân biệt thành phần kinh tế, vốn góp, tài sản.

- Nguyên tắc hòa giải: Trước hết các bên tranh chấp phải tiến hành tự hòa giải, chỉ khi nào không hòa giải được mới nhờ đến các cơ quan tài phán giải quyết. Khi thụ lý vụ án, các cơ quan tài phán cũng tiến hành các biện pháp hòa giải và công nhận hòa giải trước khi xét xử (theo pháp lệnh giải quyết vụ án tranh chấp kinh tế, quy tắc tố tụng trọng tài trong nước và quy tắc tố tụng của trung tâm trong tài quốc tế Việt Nam).

- Nguyên tắc giải quyết tranh chấp nhanh chóng và kịp thời, đảm bảo hạn chế gián đoạn quá trình sản xuất kinh doanh: Hoạt động kinh doanh được thực hiện theo chu trình sản xuất khép kín, vì vậy ở bất kỳ một công đoạn nào xảy ra trục trặc đều dẫn đến ảnh hưởng toàn bộ quá trình kinh doanh. Giải quyết tranh chấp thương mại không được tiến hành một cách nhanh chóng kịp thời sẽ ảnh hưởng tới sự tồn tại và phát triển vững mạnh của chủ thể kinh doanh. Nhanh chóng, kịp thời nhưng phải dứt điểm, đạt hiệu quả thi hành cao nhằm bảo vệ lợi ích hợp pháp của các bên.

Ngoài ra, xuất phát từ mức độ lợi ích của doanh nghiệp, việc giải quyết tranh chấp thương mại phải quan tâm đến một số yêu cầu sau đây:

- Thứ nhất, giải quyết được tranh chấp với chi phí thấp nhất về tiền bạc và thời gian, vì vậy để phát sinh tranh chấp là mất thêm chi phí và thời gian. Đặt ra yêu cầu phải hạn chế ở mức thấp nhất các chi phí không mang lại hiệu quả kinh doanh này. Các bên nên lựa chọn hướng giải quyết với chi phí thấp nhất và thời gian ngắn nhất, đồng thời các cơ quan giải quyết tranh chấp cũng phải tính đến yêu cầu này để đặt ra những quy định phù hợp, tạo niềm tin cho người kinh doanh.

- Thứ hai, phải bảo vệ uy tín của các bên trong thương trường. Trong quá trình giải quyết tranh chấp, không bên nào được đưa ra bất kỳ một thông tin nào ngoài phạm vi giải quyết tranh chấp, nhằm hạ uy tín hay ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh của đối phương trên thương trường, trước công luận, hay trước tổ chức giải quyết tranh chấp.

- Thứ ba, giải quyết tranh chấp phải bảo đảm các yếu tố bí mật trong hoạt động kinh doanh. Để thành công, các chủ thể phải có những bí quyết riêng của mình, vì vậy họ không muốn để người khác biết. Khi quyền kinh doanh được xem là hợp pháp thì quyền giữ bí mật trong kinh doanh cũng được pháp luật bảo hộ.

Trong các phương thức giải quyết tranh chấp chỉ có thông qua tòa án là xét xử công khai nhưng ngay cả trường hợp các bên kiện nhau ra tòa thì yêu cầu về tính bảo mật và uy tín cũng được tôn trọng như quy định của pháp lệnh về thủ tục giải quyết các vụ án kinh tế: "Các vụ án kinh tế được xét xử công khai trừ trường hợp cần giữ bí mật nhà nước hoặc giữ bí mật của đương sự theo yêu cầu chính đáng của họ".

Trong nền kinh tế, có nhiều cách thức giải quyết tranh chấp khác nhau, tất cả đều nhằm giải quyết một cách có hiệu quả nhất, quyền và lợi ích của các bên đều được bảo đảm. Các khả năng, hình thức và biện pháp giải quyết tranh chấp được quy định trong pháp luật của mỗi quốc gia thích ứng với điều kiện kinh tế xã hội của quốc gia đó. Đó là việc giải quyết tranh chấp thông qua một cơ quan tài phán có đơn kiện, hoặc giải quyết tranh chấp thông qua thủ tục đơn kiện.

3/ Các biện pháp giải quyết tranh chấp:

a) Giải quyết tranh chấp bằng thương lượng:

Đây là biện pháp các bên áp dụng trước khởi kiện khi pháp sinh tranh chấp. Các bên sẽ đưa ra trao đổi bàn bạc các biện pháp để đi đến thống nhất chung cho việc giải quyết tranh chấp. Các bên có thể trực tiếp hoặc thông qua đại diện gặp nhau đàm phán để giải quyết những vấn đề phát sinh. Đại diện của mỗi bên có thể là giám đốc, là người được giám đốc ủy quyền hoặc luật sư thay mặt doanh nghiệp tham gia vào quá trình thương lượng. Việc thương lượng có thể tiến hành trực tiếp hoặc thông qua hình thức trao đổi thông tin.

Trong các hình thức thương lượng, các bên có quyền tự do ý trí, bình đẳng, cùng nhau xem xét vấn đề trên cơ sở quy định của pháp luật hiện hành. Nếu các bên đạt được sự thỏa thuận thì xem như tranh chấp được giải quyết.

Biện pháp thương lượng là biện pháp giải quyết đơn giản, tiết kiệm được thời gian và chi phí cho mỗi bên. Việc thương lượng còn thể hiện sự thiện chí của các bên trong việc giải quyết tranh chấp, sau khi đã thỏa thuận thống nhất các bên vẫn giữ được mối quan hệ tốt với nhau trong các thương vụ sau này, cũng như giữ được uy tín và bảo vệ được bí mật kinh doanh.

Tuy vậy, biện pháp này thường chỉ thành công khi các bên cùng có thiện chí trong việc giải quyết tranh chấp, nếu một trong các bên tỏ ra nóng vội, khiêu khích thì quá trình thương lượng xem như thất bại. Mặt khác, nếu mâu thuẫn quá phức tạp các bên không giữ được cách đánh giá khách quan thì rất khó thỏa hiệp. Hoặc nếu tranh chấp liên quan đến nhiều bên, tranh chấp mà việc giải quyết nó nằm ngoài khả năng của các bên thì phải có một bên thứ ba hoặc một cơ quan hòa giải mới giải quyết được chứ thương lượng không giúp ích gì nhiều.

b) Giải quyết tranh chấp bằng trung gian hòa giải:

Hòa giải là hình thức giải quyết tranh chấp giữa các bên thông qua một người thứ ba gọi là hòa giải viên. Hòa giải viên được các đương sự lựa chọn, có nghĩa vụ "trung lập" tạo điều kiện giúp đỡ các bên tranh chấp đạt được một giải pháp để điều hòa lợi ích khắc phục mâu thuẫn bất đồng đã phát sinh.

Hòa giải viên sẽ tiến hành họp kín riêng với từng bên hoặc họp chung với cả hai bên để tìm hiểu kỹ nội dung tranh chấp, đưa ra những lý giải, phân tích cho các bên thấy rõ lợi ích của mình và của bên kia để cùng tìm ra một giải pháp thống nhất giải quyết tranh chấp sao cho thuận tình, hợp lý. Hòa giải viên không có quyền hạn gì để ra quyết định hoặc áp đặt một giải pháp nào đối với các bên, cũng như không thể đưa ra các biện pháp khẩn cấp tạm thời.

Hòa giải là hình thức giải quyết tranh chấp mang tính chất tự nguyện, mang đầy đủ những ưu điểm của thương lượng. Ngoài ra, hòa giải còn có những ưu điểm khác giúp việc giải quyết tranh chấp dễ dàng hơn. Chẳng hạn, hòa giải viên thường là những chuyên gia am hiểu về vấn đề đang tranh chấp, họ lại có một đánh giá sự việc khách quan hơn, hòa giải viên có thể đưa ra giải quyết cho cả hai bên cùng tham khảo, họ thường có những phân tích chính xác, rõ ràng các vấn đề thực tế trong tranh chấp, từng bước gỡ từng "nút thắt" bất đồng.

Hòa giải cũng chỉ thành công khi hai bên cùng có thiện chí giải quyết tranh chấp và hình thức này không có giá trị bắt buộc trừ khi các bên đạt được sự thỏa thuận. Nếu các bên cứ khăng khăng bảo thủ thì tranh chấp cũng không giải quyết được vì hòa giải viên không đưa ra được những quyết định buộc các bên phải thi hành.

Người trung gian hòa giải tranh chấp được chọn thông qua sự thống nhất thỏa thuận giữa các bên. Đó là các tranh chấp trong lĩnh vực chuyên môn của họ. Trong hoạt động kinh tế đối ngoại, đặc biệt trong thương mại quốc tế, trung gian hòa giải có thể là một tổ chức chính phủ như đại sứ quán, các trung tâm xúc tiến thương mại,... hoặc là các tổ chức phi chính phủ.

Hai phương thức trên giải quyết tranh chấp thành công hay không thành công đều phụ thuộc rất lớn vào sự tự nguyện và thiện ý của các bên. Thiếu những yếu tố đó việc giải quyết tranh chấp sẽ thất bại. Do đó cần giải quyết bằng những phương thức khác, quyết định của cơ quan giải quyết tranh chấp phải được tuân thủ. Người có quyền lợi bị vi phạm sau khi áp dụng các biện pháp nêu trên không thành công (hoặc bỏ qua) có thể kiện ra tòa án hoặc trọng tài để bảo vệ quyền lợi của mình.

c) Giải quyết tranh chấp theo thủ tục tòa án:

Theo pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án kinh tế, quyền yêu cầu tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các bên như sau: "Cá nhân, pháp nhân, theo thủ tục do pháp luật quy định, có quyền khởi kiện vụ án kinh tế để yêu cầu tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình''.

Tranh chấp kinh tế nói chung và tranh chấp thương mại nói riêng được khởi kiện và xét xử ở tòa án kinh tế. Tòa án kinh tế có thẩm quyền xét xử các tranh chấp pháp sinh từ các mối quan hệ kinh tế trong nước, kể cả thủ tục giải quyết phá sản doanh nghiệp.

Thẩm quyền giải quyết của các tòa án được phân cấp theo lãnh thổ và theo sự lựa chọn của bên nguyên đơn:

- Thẩm quyền theo cấp: Tòa án nhân dân cấp huyện giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp hợp đồng kinh tế mà giá trị thấp dưới 50 triệu, trừ những tranh chấp có yếu tố nước ngoài; tòa án nhân dân cấp tỉnh giải quyết theo thủ tục sơ thẩm các vụ án kinh tế không thuộc thẩm quyền của tòa án nhân dân cấp huyện; tòa kinh tế Tòa án nhân dân tối cao xét xử giám đốc thẩm và tái thẩm các vụ án kinh tế; tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao xét xử phúc thẩm các bản án sơ thẩm của tòa kinh tế tòa án nhân dân cấp huyện.

- Thẩm quyền giải quyết theo lãnh thổ: Tòa án có thẩm quyền xét xử sơ thẩm là tòa án nơi bị đơn có trụ sở hoặc cư trú. Nếu vụ án liên quan đến bất động sản thì tòa án có nơi có bất động sản giải quyết.

- Theo yêu cầu giải quyết của nguyên đơn: Nguyên đơn có quyền lựa chọn tòa án để yêu cầu giải quyết trong trường hợp tòa án nơi có tài sản, nơi có trụ sở hoặc nơi cư trú của bị đơn hoặc chi nhánh của bị đơn.

- Tòa án nơi thực hiện hợp đồng kinh tế, nếu các bị đơn có trụ sở hoặc nơi cư trú khác nhau thì nguyên đơn có thể yêu cầu tòa án nơi cư trú hoặc có trụ sở của một trong các bị đơn để giải quyết vụ án.

- Nếu vụ án có liên quan đến bất động sản thì nguyên đơn có thể yêu cầu tòa án nơi có bất động sản hoặc nơi cư trú của bị đơn giải quyết, hoặc chọn một trong các nơi nếu liên quan đến bất động sản ở nhiều nơi.

Đối với tranh chấp có yếu tố nước ngoài xảy ra, tòa án cũng có thẩm quyền xét xử, trừ trường hợp điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia có quy định khác.

Muốn đưa tranh chấp khởi kiện ra tòa án, nguyên đơn phải có đơn và tài liệu chứng minh cho yêu cầu của mình, đồng thời phải nộp tiền tạm ứng án phí. Trước khi xét xử tòa án sẽ tiến hành hòa giải, nếu hòa giải thành thì thẩm phán lập biên bản hòa giải thành và xem đây như là quyết định của tòa án, còn không cũng lập biên bản hòa giải không thành và tiếp tục xét xử. Việc xét xử gồm xét xử sơ thẩm và phúc thẩm. Sau phiên tòa sơ thẩm, nếu không nhất trí với quyết định của tòa án sơ thẩm thì các bên đương sự vẫn có quyền kháng cáo theo thủ tục phúc thẩm lên tòa án trên một cấp. Bản án phúc thẩm sau khi tuyên thì có hiệu lực pháp luật ngay và không được quyền kháng cáo.

Trong một số trường hợp đặc biệt sau khi thi hành án, có thể có những phiên giám đốc thẩm và tái thẩm.

Giải quyết tranh chấp theo thủ tục tố tụng tại tòa án thường là giải pháp cuối cùng của các bên vì quyết định của tòa án có tính cưỡng chế rất cao do được bảo đảm bằng bộ máy thi hành án và giám sát thi hành án của nhà nước. Ngoài ra trong quá trình thụ lý và xét xử, tòa án có thể đưa ra những "biện pháp khẩn cấp tạm thời" như tạm giữ tài sản, phong tỏa tài khoản,... để bảo vệ bằng chứng, bảo đảm cho việc thi hành án.

Tuy nhiên, tranh chấp kinh tế trên thế giới thường ít được khởi kiện ra tòa án vì nhiều lý do. Thứ nhất, là do thủ tục của tòa án, quyền tự quyết của các đương sự ở mức thấp nhất so với các phương thức khác, pháp luật can thiệp trong toàn bộ quá trình giải quyết tranh chấp; các bên sẽ phải tuân thủ theo những thủ tục cứng nhắc, bắt buộc, phức tạp và kéo dài, án phí lại thường cao. Thứ hai, một khi đã đưa tranh chấp ra tòa án thì những bí mật kinh doanh cũng như uy tín của doanh nghiệp sẽ không được bảo toàn, cho dù doanh nghiệp là bên thắng kiện. Thứ ba, khi đã kiện tụng trước tòa án thì quan hệ hợp tác giữa các bên khó có thể duy trì, doanh nghiệp sẽ mất một đối tác, một bạn hàng nghĩa là mất nguồn lợi do quan hệ kinh tế đem lại.

d) Giải quyết tranh chấp thông qua thủ tục trọng tài:

Tranh chấp thương mại có thể được giải quyết thông qua trọng tài kinh tế. Đây là phương thức giải quyết tranh chấp do các bên tự thỏa thuận nhằm giải quyết dứt điểm các tranh chấp đã phát sinh. Trọng tài kinh tế đã tồn tại từ rất lâu và phát triển mạnh mẽ trên thế giới cho đến ngày hôm nay, là vì tố tụng của nó đã mang lại những lợi ích thiết thực cho các nhà doanh nghiệp. Tuy nhiên, ở Việt Nam trọng tài phi chính phủ vẫn còn chưa quen thuộc với đa số các nhà đầu tư và doanh nghiệp.

Để được tư vấn và hỗ trợ dịch vụ vui lòng liên hệ Luật An Nghiệp

Hotline: 079 44 77 555; 0932116766

Email: lsnguyenhieuhcm@gmail.com

Website: luatsudongnai.com.vn

Address: 1680 - Nguyễn Ái Quốc- KP6- Biên Hòa - Đồng Nai

 

Dịch vụ khác