VAY TIỀN KHÔNG CÓ HỢP ĐỒNG VAY CÓ THỂ ĐÒI LẠI?

Câu hỏi của bạn đọc:  Xin chào Luật sư, tôi là Thắng, hiện đang sống tại Bình Dương, vợ chồng tôi đang xích mích vì tôi cho ông bạn vay 100 triệu mà không làm giấy cho vay hay giấy nhận tiền gì cả. Vợ tôi nói làm vậy thì người ta dễ quỵt, sau này đến hạn không trả thì mình cũng không kiện được vì không có hợp đồng cho vay này nọ. Thực sự tôi tin tưởng bạn, trước hai anh em có hay nhắn tin tấm sự dạo này nó đang cần vốn nên lúc đi cafe nó hỏi mượn thì chuyển khoản qua cho nó luôn chứ không nghĩ nhiều vì trước nó cũng hay giúp mình. Giờ tôi cũng hơi lo lắng, Luật sư cho tôi hỏi liệu bạn tôi không trả thì tôi có căn cứ gì để đòi lại không? Tôi xin cảm ơn ạ.

Trả lời của Luật sư:

Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi tới Luật An Nghiệp, trong thực tiễn công việc chúng tôi nhận được rất nhiều yêu cầu tư vấn liên quan tới các giao dịch cho vay. Trường hợp giống bạn không phải ngoại lệ. Hãy cùng tìm hiểu các quy định cũng như hướng giải quyết theo pháp luật hiện hành về vấn đề “Vay tiền không có hợp đồng vay có thể đòi lại?”.

Luật Sư Hỏi Đáp Pháp Luật Mọi Lĩnh Vực Trực Tuyến Miễn Phí

I. Hợp đồng vay là gì?

Căn cứ theo Điều 463 Bộ luật dân sự 2015 quy định:

“Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.”

Bên cạnh đó, theo quy định tại Điều 116 Bộ luật Dân sự 2015 giao dịch dân sự là hợp đồng hoặc hành vi pháp lý đơn phương làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự. Giao dịch dân sự được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể. (khoản 1 Điều 119)

Như quy định nêu trên thì pháp luật không có quy định bắt buộc hợp đồng vay tài sản phải bằng văn bản nhưng văn bản là hình thức rõ ràng nhất để ghi nhận mối quan hệ vay tài sản giữa bạn và người bạn kia trên thực tế để tiến hành khởi kiện.  Trường hợp của bạn , bạn cho người kia vay 100 triệu đồng, tuy không thể hiện bằng văn bản giấy tờ, tuy nhiên hai người đã thỏa thuận với nhau bằng lời nói, ta có thể gọi đây là hợp đồng vay tiền bằng lời nói. Mặc dù, giao dịch này không được lập thành một văn bản giấy tờ cụ thể nêu rõ từng chủ thể, nhưng vẫn được pháp luật thừa nhận.

II. Làm gì khi người vay cố tình không trả?

Bên vay tiền có nghĩa vụ trả nợ được quy định tại điều 466 Bộ luật Dân sự 2015:

 - Bên vay tài sản là tiền thì phải trả đủ tiền khi đến hạn; nếu tài sản là vật thì phải trả vật cùng loại đúng số lượng, chất lượng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

- Trường hợp bên vay không thể trả vật thì có thể trả bằng tiền theo trị giá của vật đã vay tại địa điểm và thời điểm trả nợ, nếu được bên cho vay đồng ý.

- Địa điểm trả nợ là nơi cư trú hoặc nơi đặt trụ sở của bên cho vay, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

- Trường hợp vay không có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả nợ hoặc trả không đầy đủ thì bên cho vay có quyền yêu cầu trả tiền lãi với mức lãi suất theo quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này trên số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.

- Trường hợp vay có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi.

Nếu đến hạn theo thỏa thuận, người vay không trả lại tiền đầy đủ cho bạn, bạn có thể thực hiện theo hai phương án sau:

- Thứ nhất, tự bảo vệ quyền lợi của mình. Việc tự bảo vệ quyền dân sự phải phù hợp với tính chất, mức độ xâm phạm đến quyền dân sự đó và không được trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự.

 - Thứ hai, bảo vệ quyền dân sự thông qua cơ quan có thẩm quyền. Trong trường hợp này, bạn có quyền khởi kiện vụ án dân sự tại Tòa án để đòi lại tiền vay, Tòa án nhân dân cấp huyện nơi người vay tiền của bạn cư trú, làm việc có thẩm quyền giải quyết vụ án dân sự theo khởi kiện của bạn.

Bởi vì, theo Điều 186 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, “Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp khởi kiện vụ án (sau đây gọi chung là người khởi kiện) tại Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình”.

Lưu ý: Khi nộp đơn khởi kiện lên tòa bạn phải cung cấp tài liệu, chứng cứ để chứng minh yêu cầu khởi kiện của mình là có căn cứ. Nếu có người biết, chứng kiến việc cho vay thì người này có thể làm chứng xác nhận việc vay tiền giữa hai bên. Nếu bạn cho vay bằng chuyển khoản qua ngân hàng thì có thể nộp sao kê của ngân hàng về giao dịch này.

Vào thời điểm cho vay bạn không có giấy tờ, bằng chứng ghi nhận nợ giữa bên kia với mình, bây giờ bạn vẫn có thể gọi điện, nhắn tin với họ để ghi nhận về sự tồn tại của hợp đồng vay và mức lãi suất đặt ra (nếu có). Đó sẽ là căn cứ để phía bên cơ quan công an hoặc Tòa án nhân dân xem xét về hành vi của người vay khi bạn khởi kiện.

Để được tư vấn và hỗ trợ dịch vụ vui lòng liên hệ Luật An Nghiệp

Hotline: 079 44 77 555; 0932 116 766

Email: lsnguyenhieuhcm@gmail.com

Website: luatsudongnai.com.vn

Address: 1680 - Nguyễn Ái Quốc- KP6- Biên Hòa - Đồng Nai

 

 

Dịch vụ khác