CHIA DI SẢN KHI KHÔNG CÓ DI CHÚC

Hiện nay, trình độ dân trí của người dân không ngừng được nâng lên.Tuy nhiên, trên thực tế, vì lý do nào đó, vẫn còn không ít trường hợp không lập di chúc, khi những người đồng hàng thừa kế phát sinh tranh chấp, sẽ dẫn đến hệ lụy khôn lường. Số vụ kiện liên quan đến tranh chấp thừa kế giữa những người đồng hàng thừa kế với nhau có chiều hướng gia tăng.  Có nhiều vụ việc mâu thuẫn phát sinh trầm trọng, ảnh hưởng đến nhiều mặt của xã hội. Khi không có di chúc thì di sản được giải quyết như thế nào?

Luật sư X - Luật sư X - Đưa luật sư đến ngay tầm tay bạn

Câu hỏi của bạn đọc:

Bố mẹ tôi mất trước năm 2015 không để lại di chúc, có một căn nhà và mảnh vườn hiện tại tôi đang ở đều đứng tên bố mẹ. Nhà tôi có bốn anh chị em, tôi là em út sống với bố mẹ. Anh trai và hai chị gái đều đã lập nghiệp và ổn định ở nơi khác từ trước 2015, nay đột nhiên anh trai về đòi chia nhà và vườn tôi đang ở nhưng vợ chồng tôi sống và chăm sóc bố mẹ từ lâu, còn lo hương hỏa tổ tiên, anh đã có nhà cửa nhưng vẫn về đòi đất nên tôi không chịu. Hai chị gái có ý định để lại cho vợ chồng tôi và có khuyên nhủ nhưng anh trai tôi vẫn một mực đòi chia đất vì anh tôi là con trưởng và có cháu đích tôn. Luật sư cho tôi hỏi, tôi có phải chia đất cho anh trai không, nếu chia thì chia bao nhiêu. Tôi xin cảm ơn!

Trả lời của Luật sư:

Cảm ơn bạn đã chia sẻ rất chân thành câu chuyện của mình cho chúng tôi, Luật An Nghiệp xin được trả lời bạn như sau:

Về quan hệ pháp luật thừa kế:

- Khi mất, bố mẹ bạn không để lại di chúc nên theo quy định của pháp luật, trong trường hợp không có di chúc, di sản sẽ được chia theo pháp luật theo quy định tại Điều 650 Bộ luật dân sự 2015 như sau:

“Điều 650. Những trường hợp thừa kế theo pháp luật

1. Thừa kế theo pháp luật được áp dụng trong trường hợp sau đây:

a) Không có di chúc;

b) Di chúc không hợp pháp;

c) Những người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; cơ quan, tổ chức được hưởng thừa kế theo di chúc không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế;

d) Những người được chỉ định làm người thừa kế theo di chúc mà không có quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.”

- Tại Điều 651 Bộ luật dân sự 2015 quy định về người thừa kế theo pháp luật như sau:

“1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;

c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.

3. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.”.

Vậy 4 người con của bố, mẹ bạn sẽ thuộc hàng thừa kế thứ nhất và được hưởng phần di sản bằng nhau; do đó miếng đất sẽ được chia thành 4 phần bằng nhau và mỗi người sẽ được hưởng 1 phần.

Thỏa thuận phân chia di sản thừa kế:

- Việc thỏa thuận phân chia di sản thừa kế được quy định tại Điều 656 Bộ luật dân sự 2015 quy định như sau:

“Điều 656. Họp mặt những người thừa kế

1. Sau khi có thông báo về việc mở thừa kế hoặc di chúc được công bố, những người thừa kế có thể họp mặt để thỏa thuận những việc sau đây:

a) Cử người quản lý di sản, người phân chia di sản, xác định quyền, nghĩa vụ của những người này, nếu người để lại di sản không chỉ định trong di chúc;

b) Cách thức phân chia di sản.

2. Mọi thỏa thuận của những người thừa kế phải được lập thành văn bản.”.

Do đó, việc phân chia di sản thừa kế ưu tiên sự thỏa thuận của các đồng thừa kế và việc thỏa thuận của 4 anh chị em phải được lập thành văn bản. Trước đó không có thỏa thuận nào về việc chia thừa kế được lập thành văn bản  nên yêu cầu chia thừa kế của anh trai bạn là có căn cứ.

Vì vậy, chia di sản trong trường hợp này thì 4 người phải có văn bản thỏa thuận với nhau về vị trí cũng như diện tích di sản của mình. Sau đó, 2 người chị kia nếu muốn tặng cho bạn di sản của mình thì họ có thể làm hợp đồng tặng cho di sản của mình cho bạn sau khi đã nhận di sản thừa kế của mình. Trong trường hợp 4 người không thỏa thuận được với nhau về việc chia di sản thừa kế (trong trường này là về vị trí của miếng đất) thì có thể nhờ UBND xã tại địa phương nơi có nhà phân chia di sản và 4 người cùng kí xác nhận vào văn bản thỏa thuận chia di sản thừa kế đó.

Nếu vẫn không thể thỏa thuận với nhau và có tranh chấp xảy ra thì một trong các đồng thừa kế có quyền khởi kiện tại Tòa án nhân dân quận (huyện) yêu cầu phân chia di sản thừa kế.

-  Về việc các đồng thừa kế tự nguyện thỏa thuận với nhau về việc phân chia di sản thừa kế.

Nếu các đồng thừa kế tự thỏa thuận được về vấn đề chia di sản thừa kế thì cùng nhau lập văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế được công chứng/ chứng thực.

+ Nếu tất cả các đồng thừa kế đồng ý không chia và ủy quyền cho vợ chồng bạn quản lý thì vợ chồng bạn có quyền quản lí, sử dụng mảnh đất. Tuy nhiên, khi làm sổ đỏ thì sẽ là đồng sở hữu chung của tất cả đồng thừa kế.

+ Nếu tất cả các đồng thừa kế đồng ý tặng cho/ chuyển nhượng lại phần di sản mà họ được nhận cho hai vợ chồng bạn thì làm văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế thể hiện nội dung trên và tiến hành công chứng/chứng thực. Sau đó, vợ chồng bạn có văn bản thỏa thuận làm căn cứ yêu cầu cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên hai vợ chồng và có quyền định đoạt đối với mảnh đất này.

Thủ tục phân chia di sản thừa kế:

Để phân chia di sản thừa kế, những người thừa kế sẽ ra văn phòng công chứng nơi có bất động sản làm thủ tục phân chia di sản. Theo Điều 57 Luật công chứng 2014, quy định cụ thể như sau:

Những người thừa kế theo pháp luật hoặc theo di chúc mà trong di chúc không xác định rõ phần di sản được hưởng của từng người thì có quyền yêu cầu công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản.

Trường hợp di sản là quyền sử dụng đất hoặc tài sản pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu thì trong hồ sơ yêu cầu công chứng phải có giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản của người để lại di sản đó.

Để tiến hành thủ tục khai nhận và phân chia di sản thừa kế, một số giấy tờ cần có trong hồ sơ như sau:

- Văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế giữa những người đồng thừa kế;

- Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ),quyền sở hữu nhà và tài sản gắn liền với đất;

- Giấy chứng tử của người để lại di sản;

- CMND hoặc hộ chiếu, hộ khẩu của người những người được thừa thừa kế;

- Giấy tờ chứng minh mối quan hệ của những người được thừa kế theo pháp luật với người chết (giấy khai sinh, đăng ký kết hôn…).

Sau khi đã khai nhận di sản thừa kế thì bạn cần làm thủ tục đăng ký quyền sử dụng đất (nếu có) để hợp thức hóa quyền sở hữu của mình đối với phần di sản được thừa kế này.

Để được tư vấn và hỗ trợ dịch vụ vui lòng liên hệ Luật An Nghiệp

Hotline: 079 44 77 555; 0932 116 766

Email: lsnguyenhieuhcm@gmail.com

Website: luatsudongnai.com.vn

Address: 1680 - Nguyễn Ái Quốc- KP6- Biên Hòa - Đồng Nai

 

 

Dịch vụ khác