GIAO DỊCH DÂN SỰ VÔ HIỆU KHI NÀO

Giao dịch dân sự là hợp đồng hoặc hành vi pháp lý đơn phương làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự. Nhằm thiết lập kỷ cương xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, pháp nhân và nhà nước; bảo đảm an toàn pháp l‎ý cho các chủ thể trong giao lưu dân sự  BLDS năm 2015 đã quy định các trường hợp giao dịch dân sự vô hiệu một cách cụ thể hơn. Luật An Nghiệp sẽ giúp khách hàng hiểu rõ hơn về các trường hợp vô hiệu, tránh những vấn đề không đáng có xảy ra.

Bảng Báo Giá Dịch Vụ Luật Sư Tư Vấn

1. Giao dịch dân sự vô hiệu là gì?

Theo quy định tại Điều 117 Bộ luật Dân sự 2015, một giao dịch dân sự chỉ có hiệu lực nếu đảm bảo các yêu cầu sau đây:

-  Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập;

-  Chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện;

-  Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội;

-  Giao dịch dân sự được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể

Ngoài ra, nếu các trường hợp giao dịch dân sự luật quy định bắt buộc phải có công chứng, chứng thực thì phải lập thành văn bản và có công chứng, chứng thực.

Tại điều 122 BLDS 2015 thì: “Giao dịch dân sự không có một trong các điều kiện được quy định tại Điều 117 của Bộ luật này thì vô hiệu, trừ trường hợp Bộ luật này có quy định khác.”

Như vậy, giao dịch dân sự vô hiệu là giao dịch dân sự không thỏa mãn một trong các điều kiện về hiệu lực được pháp luật dân sự quy định.

2. Giao dịch dân sự vô hiệu do vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội (Điều 123 Bộ luật dân sự 2015)

Giao dịch dân sự có mục đích, nội dung vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội thì vô hiệu.

Điều cấm của luật là những quy định của luật không cho phép chủ thể thực hiện những hành vi nhất định.

Đạo đức xã hội là những chuẩn mực ứng xử chung trong đời sống xã hội, được cộng đồng thừa nhận và tôn trọng.

Ví dụ: Giao dịch mua bán và vận chuyển vũ khí vô hiệu do vi phạm điều cấm của pháp luật, cụ thể là vi phạm tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự được quy định tại Điều 304 BLHS 2015.

3. Giao dịch dân sự vô hiệu do giả tạo (Điều 124 Bộ luật dân sự 2015)

-  Khi các bên xác lập giao dịch dân sự một cách giả tạo nhằm che giấu một giao dịch dân sự khác thì giao dịch dân sự giả tạo vô hiệu, còn giao dịch dân sự bị che giấu vẫn có hiệu lực, trừ trường hợp giao dịch đó cũng vô hiệu theo quy định của Bộ luật dân sự 2015 hoặc luật khác có liên quan.

-  Trường hợp xác lập giao dịch dân sự giả tạo nhằm trốn tránh nghĩa vụ với người thứ ba thì giao dịch dân sự đó vô hiệu.

Ví dụ: Ông A bán cho ông B căn nhà trị giá 1 tỷ, nhưng để trốn thuế và các nghĩa vụ khác. Ông A đã làm hợp đồng tặng cho ông B căn nhà đó.

Trong trường hợp này thì hợp đồng dân sự giả tạo vô hiệu, còn hợp đồng dân sự bị che giấu vẫn có hiệu lực, trừ trường hợp hợp đồng đó cũng vô hiệu theo quy định của Bộ luật này hoặc luật khác có liên quan.

4. Vô hiệu do người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự xác lập, thực hiện (Điều 125 Bộ luật dân sự 2015)

Khi giao dịch dân sự do người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi hoặc người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự xác lập, thực hiện thì theo yêu cầu của người đại diện của người đó, Tòa án tuyên bố giao dịch đó vô hiệu nếu theo quy định của pháp luật giao dịch này phải do người đại diện của họ xác lập, thực hiện hoặc đồng ý.

Những trường hợp giao dịch sẽ không bị vô hiệu bao gồm:

- Giao dịch dân sự của người chưa đủ sáu tuổi, người mất năng lực hành vi dân sự nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu hàng ngày của người đó;

-  Giao dịch dân sự chỉ làm phát sinh quyền hoặc chỉ miễn trừ nghĩa vụ cho người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự với người đã xác lập, thực hiện giao dịch với họ;

- Giao dịch dân sự được người xác lập giao dịch thừa nhận hiệu lực sau khi đã thành niên hoặc sau khi khôi phục năng lực hành vi dân sự.

Ví dụ: Chị X bị tâm thần sau tai nạn, anh A đã dụ dỗ chị X ký hợp đồng chuyển nhượng mảnh đất cho anh A. Khi gia đình biết đã khởi kiện dù hợp đồng có chữ ký của chủ sở hữu là chị X, nhưng chị X là người mất năng lực hành vi dân sự nên hợp đồng vô hiệu. Mảnh đất vẫn thuộc quyền sở hữu của chị X.

5. Giao dịch dân sự vô hiệu do bị nhầm lẫn (Điều 126 Bộ luật dân sự 2015)

Trường hợp giao dịch dân sự được xác lập có sự nhầm lẫn làm cho một bên hoặc các bên không đạt được mục đích của việc xác lập giao dịch thì bên bị nhầm lẫn có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này:

- Giao dịch dân sự được xác lập có sự nhầm lẫn không vô hiệu trong trường hợp mục đích xác lập giao dịch dân sự của các bên đã đạt được hoặc các bên có thể khắc phục ngay được sự nhầm lẫn làm cho mục đích của việc xác lập giao dịch dân sự vẫn đạt được.

Ví dụ: A thỏa thuận mua của B chiếc xe cổ với giá cao, nhưng khi kiểm tra lại thì đây là chiếc xe tân trang của những người sưu tầm xe. Như vậy, trong trường hợp này cả bên bán và bên mua đã có có sự nhầm lẫn dẫn đến các bên không đạt được mục đích của việc xác lập giao dịch mua bán ban đầu -> bên bị nhầm lẫn có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu.

6. Giao dịch dân sự vô hiệu do bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép (Điều 127 Bộ luật dân sự 2015)

Khi một bên tham gia giao dịch dân sự do bị lừa dối hoặc bị đe dọa thì có quyền yêu cầu Toà án tuyên bố giao dịch dân sự đó là vô hiệu.

Lừa dối trong giao dịch là hành vi cố ý của một bên hoặc của người thứ ba nhằm làm cho bên kia hiểu sai lệch về chủ thể, tính chất của đối tượng hoặc nội dung của giao dịch dân sự nên đã xác lập giao dịch đó.

Đe dọa trong giao dịch là hành vi cố ý của một bên hoặc người thứ ba làm cho bên kia buộc phải thực hiện giao dịch nhằm tránh thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ, danh dự, uy tín, nhân phẩm, tài sản của mình hoặc của cha, mẹ, vợ, chồng, con của mình.

Ví dụ:  Anh A đe dọa chị B nếu không bán lại chiếc xe oto cho anh ta với giá rẻ thì sẽ đăng những hình ảnh nhạy cảm của chị B lên mạng. Chị B vì sợ hãi nên đã bán lại cho anh A. Trong trường hợp này, giao dịch bán xe vô hiệu vì chị B không tự nguyện thực hiện hợp đồng. Chị B bán xe do bị anh A đe dọa.

7. Giao dịch dân sự vô hiệu do người xác lập không nhận thức và làm chủ được hành vi của mình (Điều 128 Bộ luật dân sự 2015)

Người có năng lực hành vi dân sự nhưng đã xác lập giao dịch vào đúng thời điểm không nhận thức và làm chủ được hành vi của mình thì có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự đó là vô hiệu.

Ví dụ: Anh A bị chị X là nhân sự của cty đối tác chuốc say trong lúc nhậu và đã ký vào hợp đồng hợp tác giữa hai cty. Trong trường hợp này, giao dịch vô hiệu do tại thời điểm xác lập giao dịch, A không nhận thức và làm chủ được hành vi của mình.

8. Giao dịch dân sự vô hiệu do không tuân thủ quy định về hình thức (Điều 129 Bộ luật dân sự 2015)

Giao dịch dân sự vi phạm quy định điều kiện có hiệu lực về hình thức thì vô hiệu, trừ trường hợp sau đây:

- Giao dịch dân sự đã được xác lập theo quy định phải bằng văn bản nhưng văn bản không đúng quy định của luật mà một bên hoặc các bên đã thực hiện ít nhất hai phần ba nghĩa vụ trong giao dịch thì theo yêu cầu của một bên hoặc các bên, Tòa án ra quyết định công nhận hiệu lực của giao dịch đó;

- Giao dịch dân sự đã được xác lập bằng văn bản nhưng vi phạm quy định bắt buộc về công chứng, chứng thực mà một bên hoặc các bên đã thực hiện ít nhất hai phần ba nghĩa vụ trong giao dịch thì theo yêu cầu của một bên hoặc các bên, Tòa án ra quyết định công nhận hiệu lực của giao dịch đó. Trong trường hợp này, các bên không phải thực hiện việc công chứng, chứng thực.

Ví dụ: Hợp đồng mua bán, tặng cho nhà ở hay di chúc miệng thì đều phải có công chứng, nếu không thực hiện công chứng thì sẽ vô hiệu.

9. Hợp đồng dân sự vô hiệu từng phần (Điều 130 Bộ luật dân sự 2015)

Hợp đồng dân sự vô hiệu từng phần khi một phần nội dung của hợp đồng dân sự vô hiệu nhưng không ảnh hưởng đến hiệu lực của phần còn lại của hợp đồng.

Ví dụ: A ký kết bán cho B 02 căn nhà, trong đó căn nhà số 01 đã có quyết định thu hồi của Ủy ban nhân dân huyện nhưng A không thông báo cho B. Vì vậy, A đã có sự gian dối về tình trạng thông tin ngôi nhà số 01 nên B có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố hợp đồng mua bán giữa A và B vô hiệu phần mua bán ngôi nhà số 01, còn nội dung về mua bán ngôi nhà số 02 vẫn có hiệu lực.

10. Vô hiệu do hợp đồng có đối tượng không thể thực hiện được (Điều 408 BLDS 2015)

- Trường hợp ngay từ khi giao kết, hợp đồng có đối tượng không thể thực hiện được thì hợp đồng này bị vô hiệu.

- Trường hợp khi giao kết hợp đồng mà một bên biết hoặc phải biết về việc hợp đồng có đối tượng không thể thực hiện được nhưng không thông báo cho bên kia biết nên bên kia đã giao kết hợp đồng thì phải bồi thường thiệt hại cho bên kia, trừ trường hợp bên kia biết hoặc phải biết về việc hợp đồng có đối tượng không thể thực hiện được.

- Quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này cũng được áp dụng đối với trường hợp hợp đồng có một hoặc nhiều phần đối tượng không thể thực hiện được nhưng phần còn lại của hợp đồng vẫn có hiệu lực.

Ví dụ: Anh A đã đặt cọc mua lại đàn bò của anh B nhưng do đợt dịch long móng lở mồm nên đàn bò phải tiêu hủy. Anh A không còn bò để giao cho anh B như thỏa thuận trong hợp đồng.  Đây là trường hợp bất khả kháng làm cho anh A không thể thực hiện được những thỏa thuận trong hợp đồng. Và đây là trường hợp làm cho hợp đông vô hiệu do đối tượng  không thể thực hiện được

Để được tư vấn và hỗ trợ dịch vụ vui lòng liên hệ Luật An Nghiệp

Hotline: 079 44 77 555; 0932 116 766

Email: lsnguyenhieuhcm@gmail.com

Website: luatsudongnai.com.vn

Address: 1680 - Nguyễn Ái Quốc- KP6- Biên Hòa - Đồng Nai

 

.

Dịch vụ khác