LY HÔN CÓ THỂ VẮNG MẶT KHÔNG?

 

Câu hỏi bạn đọc: Xin chào Luật sư, tôi là Minh hiện đang sống tại Biên Hòa. Tôi đã kết hôn được 5 năm nhưng chưa có con, do không tìm được tiếng nói chung, vợ chồng hay xích mích, vợ tôi còn có dấu hiệu ngoại tình nên tôi đã nộp đơn ly hôn tại tòa thành phố. Tòa có triệu tập hòa giải nhưng cô ta không đến. Luật sư cho tôi hỏi, liệu tôi có thể nhanh chóng ly hôn không? Rất mong sớm nhận được câu trả lời của Luật sư. Xin cảm ơn.

Hiện nay, nộp đơn ly hôn ở đâu?

Trả lời của Luật sư: Cảm ơn bạn Minh đã chia sẻ câu chuyện của mình, đây cũng là vấn đề thường gặp khi ly hôn giữa các cặp vợ chồng. Để giải quyết trường hợp của bạn Luật sư An Nghiệp xin được tư vấn như sau:

Việc vợ chồng khi thực hiện thủ tục ly hôn mà một bên không có mặt gọi là ly hôn vắng mặt. Giải quyết ly hôn vắng mặt sẽ được thực hiện theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.

Bạn là người nộp đơn khởi kiện yêu cầu ly hôn và được Tòa án nhân dân thụ lý giải quyết sẽ được gọi là “nguyên đơn”; còn vợ bạn đang bị yêu cầu ly hôn sẽ được gọi là “bị đơn”. Khi Tòa án đã thụ lý và triệu tập nhưng vợ bạn (bị đơn) cố tình không đến thì được đưa vào các trường hợp không tiến hành hòa giải được theo quy định tại Điều 207 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 như sau:

“Điều 207. Những vụ án dân sự không tiến hành hòa giải được

1.Bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đã được Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn cố tình vắng mặt.”

Đối với trường hợp không tiến hành hòa giải được, thì Thẩm phán vẫn tiến hành phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ mà không tiến hành hòa giải. Sau đó, nếu có căn cứ giải quyết thì vụ án vẫn được đưa ra xét xử.

Trong giai đoạn xét xử, Tòa án cũng thực hiện việc triệu tập đương sự có mặt tại Tòa án. Vấn đề này được quy định tại Điều 227 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 như sau:

“Điều 227. Sự có mặt của đương sự, người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự

1. Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ nhất, đương sự hoặc người đại diện của họ, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự phải có mặt tại phiên tòa; nếu có người vắng mặt thì Hội đồng xét xử phải hoãn phiên tòa, trừ trường hợp người đó có đơn đề nghị xét xử vắng mặt.

Tòa án phải thông báo cho đương sự, người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự về việc hoãn phiên tòa.

2. Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai, đương sự hoặc người đại diện của họ, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự phải có mặt tại phiên tòa, trừ trường hợp họ có đơn đề nghị xét xử vắng mặt; nếu vắng mặt vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan thì Tòa án có thể hoãn phiên tòa.

3. Bị đơn không có yêu cầu phản tố, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không có yêu cầu độc lập vắng mặt mà không có người đại diện tham gia phiên tòa thì Tòa án tiến hành xét xử vắng mặt họ;

4. Bị đơn có yêu cầu phản tố vắng mặt mà không có người đại diện tham gia phiên tòa thì bị coi là từ bỏ yêu cầu phản tố và Tòa án quyết định đình chỉ giải quyết đối với yêu cầu phản tố, trừ trường hợp bị đơn có đơn đề nghị xét xử vắng mặt. Bị đơn có quyền khởi kiện lại đối với yêu cầu phản tố đó theo quy định của pháp luật”.

Như vậy, theo quy định trên thì Tòa án sẽ triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai, nếu triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai rồi mà vợ bạn không có mặt mà không có lý do chính đáng thì Tòa án vẫn sẽ xét xử vắng mặt. Trừ trường hợp vắng mặt vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan thì Tòa án có thể hoãn phiên tòa.

Trên đây là tư vấn của Luật sư về việc một bên vắng mặt khi ly hôn. Nếu còn vướng mắc hãy liên hệ ngay với Luật sư An Nghiệp để được tư vấn nhanh chóng, chính xác.

Trân trọng!

Hotline: 079 44 77 555; 0932 116 766

Email: lsnguyenhieuhcm@gmail.com

Website: luatsudongnai.com.vn

Address: 1680 - Nguyễn Ái Quốc- KP6- Biên Hòa - Đồng Nai

 

Dịch vụ khác